Chuyển đến nội dung chính

T-54/55 – Wikipedia tiếng Việt

T-54T-55 là tên gọi một thế hệ xe tăng sản xuất tại Liên Xô và trang bị cho quân đội nước này từ năm 1947 đến 1962. Đây là mẫu xe tăng sản xuất nhiều nhất trong lịch sử với tổng số 95.000 xe được xuất xưởng[1] (một số nguồn khác thì ước lượng con số sản xuất này dao động từ 85.000 - 100.000 chiếc, bao gồm cả những chiếc sản xuất tại nước ngoài với tên gọi khác).

Cách bố trí của T-54 theo kiểu xe tăng quy ước, với vũ khí chính gồm một khẩu súng có rãnh xoắn 100mm. T54 được sử dụng nhiều hơn bất kỳ một loại tăng nào khác từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. T-55 gồm một khẩu súng tốc độ cao với nòng súng dài khác thường. T-55 có bánh xích, mỗi bên năm bánh với một thân ngắn và tháp pháo hình tròn. Tăng T-54 xuất hiện lần đầu năm 1949 như loại thay thế cho chiếc T-34 thời thế chiến II. Nguyên mẫu T-54 đầu tiên được hoàn thành năm 1946 và được chế tạo lần đầu năm 1947. T-54 liên tục được sửa đổi và cải tiến, và sau khi đã được sửa khá nhiều, nó được đổi tên thành T-55. T-55 ra mắt vào năm 1958 và có đầy đủ mọi sự tinh xảo và cải tiến của serie T-54 mà không có khác biệt căn bản trong thiết kế và hay vẻ ngoài. T-55A xuất hiện đầu thập kỷ 1960. Sự sản xuất loại xe này tiếp tục đến tận năm 1981 ở Liên Xô và cũng được sản xuất ở Trung Quốc (kiểu 59), Tiệp Khắc và Ba Lan.

Một số lượng lớn loại này vẫn còn được các nước sử dụng, mặc dù đến thập kỷ 1980 T-54/55 đã bị Liên Xô thay thế bằng loại T-62, T-64 và T-80 trong vai trò loại tăng chủ yếu tại các đơn vị xe tăng và pháo tự hành của Hồng quân Liên Xô. T-54 được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến từ sau năm 1950, như ở Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968, và Syria năm 1970, nó là loại tăng chính của các nước Ả Rập trong cuộc chiến 1967 và 1973 với Israel. Trong thập kỷ 1970, T-54 tham chiến ở Việt Nam, Campuchia và Uganda. Đến đầu thế kỷ 21, 70 năm sau khi ra đời, hàng ngàn T-54 và các phiên bản nâng cấp của nó vẫn phục vụ tích cực trong biên chế nhiều quân đội trên thế giới.





Xe tăng hạng trung T-54 được chế tạo ở phòng thiết kế Hạ Tagil dưới sự chỉ đao của A. Morozov năm 1946 và trong quá trình chế tạo mang tên “Công trình 137”. Xe tăng được tiếp nhận vào biên chế năm 1950 và sản xuất hàng loạt ở Kharkov, Hạ Tagil và Omsk. Trong quá trình sản xuất đã tiến hành nâng cấp xe tăng mà không thay đổi mác xe. Xe tăng T-54 có hai biến thể - T-54A và T-54B.


  • T-54A được chế tạo ở phòng thiết kế tại Hạ Tagil và tiếp nhận vào biên chế năm 1955. Việc sản xuất hàng loạt được thực hiện từ năm 1955 đến 1957 tại Kharkov, Hạ Tagil và Omsk. Lần đầu tiên trên xe tăng Liên Xô đã lắp pháo 100mm (D-10TG) có hệ thống cân bằng pháo – tăng dọc (STP-1 “Gorizont”) với bộ hút khói đầu nòng sau phát bắn.

  • T-54B được chế tạo bởi phòng thiết kế Hạ Tagil và tiếp nhận vào trang bị ngày 11 tháng 9 năm 1956. Việc sản xuất hàng loạt từ năm 1957 đến 1959 ở Kharkov, Hạ Tagil và Omsk. Xe tăng sử dụng pháo D-10T2S với hệ thống cân bằng pháo tăng 2 trục dọc - ngang STP-2 "Tsiklon".

Xe tăng hạng trung T-55 được chế tạo dưới tên gọi “Công trình 155” bởi phòng thiết kế Hạ Tagil dưới sự chỉ đạ của L. Kartsev. Xe tăng được tiếp nhận vào trang bị ngày 24 tháng 5 năm 1958. Việc sản xuất hàng loạt được thực hiện ở Kharcov, Hạ Tagil và Omsk từ năm 1958 đến 1962. So với T-54, trên xe tăng này đã áp dụng các điểm mới: tăng cường công suất động cơ từ 520 lên 580 sức ngựa; sử dụng thùng – bệ để tăng khối lượng nhiên liệu và cơ số đạn, lắp máy nén khí để đảm bảo hơn việc khởi động động cơ, duy trì tuổi thọ pin ắc quy và loại trừ sự cần thiết thay thế các bình không khí đã qua sử dụng để nạp điện, lắp hệ thống cứu nạn (PAZ), hệ thống khói nhiệt (TDA) để tạo thành màn khói từ sự bốc hơi của nhiên liệu, thải ra từ ống xả, hệ thống chữa cháy tự động, khí tài quan sát thủy khí của lái xe và bộ truyền động hành tinh mang theo. Ngoài ra, cơ số đạn xe tăng từ 34 tăng lên 43 viên đạn pháo 100mm. Khác với T-54B, T-55 không có súng phòng không 12,7mm trên nóc xe (tuy nhiên năm 1969, T-55 lại được lắp súng phòng không DShK).

Xe tăng hạng trung T-55 chạy bánh xích, khung gầm gồm năm bánh với một khoảng không gian giữa bánh thứ nhất và bánh thứ hai và không có những trục lăn hồi chuyển. Nó có thân ngắn, tháp pháo hình vòm nằm bên trên bánh xe thứ ba. Súng chính có rãnh xoắn cỡ 100mm và có một lỗ thoát hiểm ở gần chân nòng. Một súng máy đồng trục A7.62mm và một súng máy 7.62mm di chuyển vòng cung. Các mẫu T-55A về sau này không được trang bị súng đó.

T-55 được phân biệt với T-54 vì nó không có vòm ở bên phải và quạt thông gió của tháp pháo được lắp phía trước so với quạt thông gió của T-54, và tất cả các mẫu T-55 đều có một bộ phận tìm kiếm ánh sáng hồng ngoại dành cho pháo thủ lắp bên phải súng chính. Tuy nhiên, bộ phận tìm kiếm ánh sáng này không phải là một đặc điểm phân biệt, bởi vì nó cũng được trang bị thêm cho nhiều mẫu T-54 và T-54A.

Xe tăng T-55 và biến thể T-55A được xuất khẩu tới 40 nước trên thế giới. Ngoài ra, T-55 còn được chế tạo theo giấy phép sản xuất ở Tiệp Khắc và Ba Lan.



Độ cơ động[sửa | sửa mã nguồn]


T-55 nhìn từ phía trước, sau và mặt bên

T-55 kết hợp một khẩu pháo uy lực mạnh (theo tiêu chuẩn thời bấy giờ) với một thân tăng rất cơ động, một thân ngắn và nòng rất dài. Các cải tiến so với loại T-54 gồm động cơ diesel V12 làm mát bằng nước lớn hơn với 580 sức ngựa so với 520 sức ngựa, tăng tầm hoạt động lên 500 km (lên tới 715 km với hai bình xăng phụ mỗi bình 200 lít).

T-55 có thể lội qua độ sâu 1.4m mà không cần chuẩn bị trước, có thiết bị thông hơi cho phép nó vượt qua độ sâu lên đến 5.5m với tốc độ 2 km/giờ. Thiết bị này cần phải được chuẩn bị trước từ 15 đến 30 phút nhưng có thể được vứt bỏ ngay sau khi ra khỏi nước.


Hệ thống ngắm bắn[sửa | sửa mã nguồn]


Tài liệu phương Tây (nhất là thời chiến tranh Lạnh) thường chỉ trích xe tăng T-54/55 có hệ thống ngắm bắn chất lượng thấp. Điều này một phần là do tuyên truyền chính trị, một phần khác là bởi các phát bắn thiếu chính xác của tổ lái các nước châu Á, châu Phi (tuy nhiên nguyên nhân chính là do các nước này huấn luyện tổ lái sơ sài, áp dụng chiến thuật kém chứ không phải do chất lượng xe tăng). Sau thời chiến tranh Lạnh, khi các thông số của T-54/55 được công bố rộng rãi, có thể thấy hệ thống ngắm bắn trên T-54/55 được thiết kế rất tốt, rất thuận tiện để sử dụng và có những điểm ưu việt hơn so với các xe tăng phương Tây đương thời. Các kiểm tra kỹ lưỡng cho thấy T-54/55 có thiết kế rất tối ưu vào thập niên 1950, và vẫn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ tốt sau khi các thiết kế mới hơn ra đời.


Kính ngắm cho trưởng xe[sửa | sửa mã nguồn]


T-54 obr. 1949 có kính tiềm vọng cho chỉ huy TPK-1. Đó là một cải tiến so với kính MK-4 trên phiên bản thử nghiệm T-54-1, bởi nó cung cấp độ độ phóng đại 2,5x thay vì không phóng đại. Khi nhìn ở cự ly xa, TPK-1 không đủ độ phóng đại. Thay vào đó, người chỉ huy phải dựa vào ống nhòm cá nhân 8x30 của mình. Ống nhòm Liên Xô nhìn chung là có chất lượng tuyệt vời, vì hầu hết được làm dựa theo các công nghệ thu được từ nhà máy Zeiss-Jena của Đức thời Thế chiến II. Điều đặc biệt về TPK-1 là nó có thể được sử dụng để chỉ định mục tiêu cho xạ thủ. Điều này được thực hiện bằng cách nhắm vào mục tiêu và nhấn nút trái, một tín hiệu điện được gửi đi để tháp pháo tự động xoay về hướng mục tiêu, rồi sau đó xạ thủ sẽ ngắm bắn. Đây có thể coi là một hệ thống "Hunter - Killer" sơ khai, giúp đẩy nhanh tốc độ phát hiện và ngắm bắn mục tiêu. T-54 là chiếc xe tăng đầu tiên trên thế giới triển khai hệ thống như vậy (tiếp theo là xe tăng hạng nặng Conqueror của Anh vào năm 1955).

Phiên bản T-54B thì có kính tiềm vọng cho chỉ huy TPKUB và sau đó là TPKU-2B. Kính có hai chế độ phóng đại có thể điều chỉnh là 1x (trường nhìn là 17,5 độ) hoặc 5x (trường nhìn 7,5 độ).

Vì kính tiềm vọng TPK-1 không có khả năng nhìn đêm, kính nhìn đêm TKN-1 được giới thiệu vào năm 1951 cho chiếc T-54 obr. 1951, và tiếp tục được sử dụng trên T-54A, T-54B, và sau đó trong T-55 (bản cải tiến TKN-1S). Khi đêm xuống, chỉ huy phải tháo kính TPK-1 để thay bằng TKN-1, điều này không mất nhiều thời gian nhưng cũng gây phiền toái (từ T-62 thì kính tiềm vọng cho chỉ huy đều có 2 chế độ ngày - đêm nên không cần thao tác này). TKN-1 có độ phóng đại 2,75x, nó sử dụng công nghệ khuyếch đại ánh sáng thế hệ thứ 1, với khả năng nhìn ban đêm ở chế độ chủ động (đi kèm đèn hồng ngoại OU-3) cho phép người chỉ huy xác định các mục tiêu kích cỡ xe tăng ở khoảng cách khoảng 400 mét.


Kính ngắm cho xạ thủ[sửa | sửa mã nguồn]


Xạ thủ của T-54 thì sử dụng kính ngắm TSh-20. TSh-20 cung cấp độ phóng đại cố định 4x với trường nhìn 16°. Chỉ số này là kém theo tiêu chuẩn hiện đại, nhưng là mức chấp nhận được đối với một sản phẩm vào cuối thập niên 1940. Ví dụ, kính ngắm M71C trên xe tăng M26 Pershing của Mỹ có độ phóng đại cố định 5x với trường nhìn 13°. Một tính năng tuyệt vời của TSh-20 là có ốp cao su vừa vặn với trán của pháo thủ - ngay cả khi anh ta đội mũ bảo hiểm, cho dù cơ thể của xạ thủ lắc lư khi xe di chuyển thì mắt anh ta vẫn sẽ bám chắc chắn vào thị kính. Đây là tính năng truyền thống của hầu hết các kính ngắm trên các xe tăng Liên Xô và Nga cho tới nay.


Vị trí của xạ thủ trên T-54

Đèn hồng ngoại nhìn đêm gắn bên phải khẩu pháo của T-54

Tới năm 1951, kính ngắm TSh-20 được thay thế bởi TSh2-22, được giới thiệu với T-54 Model 1951. Cải tiến lớn nhất là TSh2-22 có 2 chế độ phóng đại: 3,5x và 7x, dùng cho các tình huống tác chiến khác nhau. TSh2-22 có thể so sánh trực tiếp với kính ngắm No.1 của xe tăng Centurion (độ phóng đại 1x hoặc 6x) và kính ngắm M20 của M48 Patton (cũng có độ phóng đại 1x hoặc 6x).

TSh2-22 tiếp tục được thay thế bởi TSh2B-32, lần đầu tiên được triển khai trong phiên bản T-54A, được giới thiệu vào năm 1955. Sự khác biệt là TSh2B-32 được thiết kế để kết nối với thiết bị ổn định mặt phẳng đơn STP-1 mới, cho phép ổn định tầm ngắm theo chiều dọc. Nó tiếp tục được sử dụng trong T-54B với bộ ổn định mặt phẳng kép STP-2 mới. Vào tháng 1 năm 1965, TSh2B-32P được lắp đặt cho T-54B và T-55, sự khác biệt duy nhất giữa nó và TSh2B-32 là thang đo phạm vi mới cho đạn 3UBM8 APDS. Chữ "P" trong "TSh2B-32P" có lẽ mang nghĩa là "podkaliberniy" hoặc "dưới cỡ nòng", đề cập đến đạn APDS. Các phiên bản T-54 và T-55 trước đó đã được cài đặt kính ngắm trong quá trình sửa chữa để cho phép chúng sử dụng loại đạn mới.

Năm 1957, chiếc T-54 được cải tiến trở thành chiếc T-54B, với kính ngắm ngày/đêm TPN-1-22-11. TPN-1-22-11 có độ phóng đại cố định là 5,5x và trường nhìn rộng 6°. Nó có thể hoạt động ở chế độ thụ động hoặc chủ động. Ở chế độ chủ động, nó phải hoạt động song song với đèn hồng ngoại L-2 "Luna", cho phép xạ thủ xác định mục tiêu xe tăng ở khoảng cách 800 mét, tuy là không rõ ràng, nhưng không kém hơn các xe tăng phương Tây cùng thời. Trong chế độ thụ động, nó có thể xác định mục tiêu xe tăng ở khoảng cách 400 mét trong điều kiện đêm tối có độ sáng không nhỏ hơn 0,005 lux.

Kính ngắm đêm dùng đèn hồng ngoại là công nghệ mới, rất hiện đại trong thập niên 1950-1960, giúp các xe tăng T-54/55 thể hiện khả năng tác chiến tốt hơn xe tăng phương Tây vào ban đêm. Khi tác chiến ban đêm, các kíp lái xe tăng Centurion (Anh) và M48 Patton (Mỹ) thời đó chỉ có thể dựa vào đạn vạch sáng và đèn pha. Dùng đèn pha thì sẽ bị lộ vị trí xe tăng, còn đạn vạch sáng thì thường không chiếu sáng đủ lâu để quan sát thấy đối phương. T-54/55 có kính nhìn đêm sử dụng đèn hồng ngoại nên không gặp vấn đề đó.

T-54 thiếu một máy đo khoảng cách chuyên dụng như M48 Patton, khiến việc bắn đạn nổ (HE hoặc HEAT) trở nên thiếu chính xác (điểm rơi của đạn ở trước hoặc sau mục tiêu). Nguyên nhân không phải là do Liên Xô không chế tạo được thiết bị này, mà đây là biện pháp có chủ đích để làm giảm chi phí chế tạo, bởi theo học thuyết tác chiến chiều sâu của Liên Xô thời kỳ đó, T-54 là vũ khí tiến công cơ động, tác chiến trực diện ở cự ly trung bình nên không cần máy đo khoảng cách quang học lập thể. Mặt khác, máy đo khoảng cách thời đó dùng công nghệ quang học lập thể (như loại M17 trên xe tăng M48 Patton của Mỹ), muốn sử dụng thì xe bắt buộc phải đứng yên, điều này trái ngược với chiến thuật tiêu chuẩn của xe tăng là phải di chuyển liên tục để tránh bị đối phương ngắm bắn), do vậy nó thích hợp hơn với các vũ khí chuyên về phục kích, tác chiến từ xa như pháo tự hành chống tăng (những loại pháo tự hành chống tăng của Liên Xô thời đó như SU-122-54 hoặc Object-268 thì đều có máy đo khoảng cách quang học lập thể gắn trên vòm chỉ huy).

Tới thập niên 1970, khi pháo tự hành chống tăng trở nên lỗi thời (bởi tên lửa chống tăng) thì T-54/55 đã được trang bị máy đo khoảng cách bằng laser. Phiên bản T-55A được trang bị máy đo khoảng cách bằng laser KTD-1 vào năm 1974. KTD-1 có khoảng cách đo tối đa là 4.000 mét và tối thiểu là 400 mét, biên độ sai số tối đa trong phép đo là 20 mét. Tuy còn những thiếu sót (việc nhập cự ly, tính toán đường đạn phải làm thủ công), KTD-1 vẫn là công nghệ rất hiện đại vào thời điểm đó. Thứ tốt nhất mà xe tăng của Đức có vào lúc đó là máy đo khoảng cách quang học lập thể EMES 12A1 trên mẫu Leopard 1A4 vào năm 1974. Sự hiện diện của máy đo xa laser cải thiện độ chính xác của xe tăng khi bắn phạm vi trung bình, và tăng mạnh độ chính xác khi bắn vào các mục tiêu ở khoảng cách lớn hơn 1 km.


Bộ ổn định nòng pháo[sửa | sửa mã nguồn]


Được giới thiệu trên chiếc T-54A vào năm 1954, bộ ổn định nòng pháo STP-1 cho khẩu D-10TG 100mm đã làm cho chiếc T-54 trở thành chiếc xe tăng thứ hai trên thế giới có được bộ ổn định nòng, sau chiếc xe tăng Centurion MK-3 của Anh (nó có một hệ thống ổn định hai mặt phẳng tiên tiến vào năm 1948).


T-55 của Uganda năm 2014

Tuy nhiên, STP-1 chỉ có chức năng ổn định theo chiều dọc. Mùa hè năm 1954, Nhà máy số 183 tại Kharkov thử nghiệm thành công bộ ổn định nòng 2 chiều, đã cải thiện tỷ lệ bắn trúng ở phát bắn đầu tiên cao hơn 2 lần và tốc độ ngắm bắn giảm 1,5 lần. Tuy nhiên, bộ ổn định hai chiều tiên tiến chưa thể được sản xuất trên quy mô lớn. Kết quả là, STP-1 được sản xuất hàng loạt vào năm 1954 như một giải pháp tình thế. Tới năm 1956, bộ ổn định 2 chiều STP-2 "Tsyklon" đã được giới thiệu cho T-54B cùng pháo D-10T2S.

Hệ thống ổn định 2 trục là thiết bị rất tiên tiến so với xe tăng phương Tây vào thời điểm đó, chỉ có xe tăng Centurion của Anh là có hệ thống tương tự. Xe tăng M60A1 chỉ có được một bộ ổn định nòng hai trục vào năm 1972 dưới dạng hệ thống AOS (Add-On Stabilizer), thậm chí có vẻ như hệ thống AOS này có một loạt các vấn đề, bao gồm việc đôi khi tháp pháo quay không kiểm soát được. Chiếc Leopard 1 của Đức chỉ có hệ thống ổn định mặt phẳng 2 trục Cadillac-Gage vào năm 1970 với bản nâng cấp Leopard 1A1.

Trong thời gian cuối những năm 1950, gần như tất cả xe tăng T-54 obr. 1949 (được sản xuất từ 1949 đến 1951) và T-54 obr. 1951 (được sản xuất từ năm 1952 đến năm 1954) đã trải qua một chương trình hiện đại hóa để cải thiện khả năng chiến đấu tới cấp độ của T-54B. Tất cả các phiên bản T-55 cũng có bộ ổn định nòng hai chiều (two-plane) chứ không chỉ có bộ ổn định dọc như T-54 đời đầu.

Độ chính xác của STP-2 "Tsyklon" được báo cáo là 1,0 mil theo chiều dọc, và 1,5 mils theo chiều ngang, nghĩa là độ lệch trung bình là 1 mét theo chiều ngang và 1,5 mét theo chiều đứng ở cự ly 1 km. Nó cung cấp sự cải thiện khá lớn về độ chính xác khi bắn. Khi tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách 800 - 1.200 mét và di chuyển theo đường thẳng, tỷ lệ bắn trúng đã tăng 5,25 lần, tỷ lệ bắn trúng trong khi di chuyển ở một góc 15 độ so với mục tiêu đã được cải thiện 4 lần. Tóm lại, "Zarya" cho phép T-54/55 bắn trúng các mục tiêu kích thước xe tăng từ tầm ngắn đến trung bình với độ chính xác hợp lý ở tốc độ từ 12 đến 25 km/h và nâng cao tỷ lệ bắn trúng ở cự ly xa hơn.


Các nâng cấp[sửa | sửa mã nguồn]


Phiên bản nâng cấp toàn diện T-55AM được giới thiệu vào năm 1983 đã được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động "Volna". Tất cả các thành phần điều khiển bắn ban đầu của T-54/55 đã được thay thế và một số công nghệ mới đã được bổ sung, bao gồm:



  • Kính ngắm TShSM-32PV kiểu mới, kết nối với bộ ổn định nòng 2 chiều được cải tiến, chính xác hơn nhiều so với bộ ổn định trên T-54/55 và T-62 đời đầu.

  • Kính ngắm đêm 1K13-2 (thay thế kính ngắm TPN-1-22-11) có thể dùng để điều khiển tên lửa chống tăng phóng qua nòng cỡ 100mm, độ phóng đại tối đa là 8x ở chế độ ban ngày và 5,5x ở chế độ ban đêm. Ở chế độ ban đêm, 1K13-2 có hai chế độ: thụ động và chủ động, cả hai đều hoạt động với độ phóng đại 5,5x. Trong chế độ thụ động, nó có thể xác định mục tiêu xe tăng ở khoảng cách 800 mét trong điều kiện đêm tối có độ sáng không nhỏ hơn 0,005 lux. Ở chế độ chủ động với ánh sáng từ đèn hồng ngoại L-2G Luna, cự ly này là 1.100 mét.

  • Bộ đo xa laser KTD-2 có giao diện hiện đại hơn, bao gồm bảng điện tử hiển thị kết quả đo xa.

Tuy nhiên, T-55AM vẫn không được trang bị cảm biến áp suất gió, nhiệt độ, áp suất không khí, nhiệt độ buồng súng hoặc hệ thống ghi âm điện tử để tự động tính toán hao mòn nòng pháo. Vào thời đó, đây là những thiết bị đắt tiền chỉ được trang bị cho dòng xe cao cấp T-80. Nhìn chung, hệ thống "Volna" không không phải là một sản phẩm tiên tiến vào những năm 1980, nó không vượt trội hơn chiếc Leopard 1A4 (được chế tạo từ năm 1974 đến năm 1976) hoặc các loại xe tăng hiện đại vào đầu thập niên 1980. Thay vào đó, Volna là một biện pháp với chi phí thấp để nâng cao khả năng bắn chính xác của một chiếc T-54/55 cũ lên gần bằng mức của T-72B, và nó hoàn toàn thành công trong mục đích này.

Đến đầu thế kỷ 21, nhiều quốc gia đã cho ra mắt nhiều gói nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS) cho T-54/55, áp dụng nhiều công nghệ mới, ví dụ như El-Op Red Tiger của Israel, hệ thống điều khiển hỏa lực Matador, ống nhòm NobelTech T-series của Thuỵ Điển, và Atlas MOLF của Đức, SUV-T55A FCS của Nam Tư, Marconi Digital FCS của Anh, SABCA Titan của Bỉ... Một trong những hệ thống tốt nhất là EFCS-3 của Slovenia được tích hợp với FCS. Rất nhiều kiểu ống ngắm nhiệt khác cũng có thể được trang bị. Gồm cả ống ngắm Nga/Pháp ALIS và Namut-type của hãng Peleng (Belarus). Có nhiều kiểu ống ngắm nhiệt có thể được trang bị cho phép phóng ATGM vào buổi tối.


Hỏa lực[sửa | sửa mã nguồn]


T-54 được trang bị pháo nòng rãnh xoắn 100mm mẫu D-10T. D-10T nặng 1.950 kg, áp suất buồng đốt tối đa là 289 MPa. Pháo có thể đạt góc nâng lên cao 16,5° hoặc hạ xuống 5°. Nó mạnh hơn với các khẩu pháo M3A1 90mm của xe tăng M48 Patton) và 20 pdr (84mm) của xe tăng Centurion. Năm 1958, xe tăng T-55 được giới thiệu với pháo cải tiến D-10T2S.

Khẩu D-10T có 2 hạn chế: không có bầu hút khói (bore evacuator, có chức năng ngăn khói thuốc phóng bay ngược lại khoang lái) và để thay thế nòng thì cần phải nhấc tháp pháo khỏi vòng tháp pháo và kéo toàn bộ cụm pháo ra phía sau. Dù sao thì những hạn chế đó cũng là điểm chung của hầu hết các loại pháo tăng thập niên 1950.

Tất cả các biến thể T-54 được sản xuất giữa năm 1947 và 1958 chỉ có thể mang theo 34 viên đạn pháo. Đến phiên bản T-55, cơ số đạn cho pháo chính được nâng lên 43 viên.

Hướng dẫn sử dụng cho xe tăng T-55A (phiên bản có bộ ổn định nòng pháo) cho biết tốc độ bắn khi xe đứng yên là 7 phát/phút và tốc độ bắn khi xe di chuyển là 4 phát/phút.

Ngoài pháo chính, bản gốc T-54-1 có một khẩu súng máy đồng trục 7,62mm, cùng 1 đại liên DShK 12,7mm gắn trên nóc xe để phòng không, thuộc quyền sử dụng của pháo thủ. Tuy nhiên, một số phiên bản T-54/55 đã loại bỏ khẩu 12,7mm.


Đạn dược[sửa | sửa mã nguồn]


Nạp đạn cho T-55, Hungary năm 1971

Khi chiếc T-54 được đưa vào phục vụ trong Hồng quân, chỉ có hai loại đạn xuyên giáp có sẵn cho nó: BR-412 AP và BR-412B APBC. BR-412B được chính thức ra mắt vào khoảng năm 1946 (dường như nó đã được sản xuất vào đầu năm 1945) như một phiên bản sửa đổi của BR-412, có mũi cùn và mũ đạn để duy trì mũi nhọn khí động học. Đạn nặng 30,1 kg, sơ tốc 895 m/s.

Theo cách tính của Mỹ (tỷ lệ xuyên 50%, thép mục tiêu có độ cứng khoảng 200 BHN), với góc chạm 0°, BR-412B có độ xuyên 235mm thép ở cự ly 100 mét, 226mm thép ở 500 mét, 185mm thép ở 1000 mét, 161mm thép ở 1500 mét và 141mm thép ở 2000 mét. Còn theo cách tính của Liên Xô (tỷ lệ xuyên 80%, thép mục tiêu có độ cứng 250-350 BHN), các con số này là 160mm thép ở cự ly 100 mét, 150mm thép ở 500 mét, 135mm thép ở 1000 mét, 125mm thép ở 1500 mét và 105mm thép ở 2000 mét. BR-412B vượt trội rõ ràng so với đạn M318A1 APCBC cỡ 90mm của xe tăng Mỹ. Tuy nhiên, T-54 không được cấp phát đại trà đạn xuyên giáp cao cấp HVAP, mặc dù đạn HVAP BR-412P 100mm đã được sản xuất với một số lượng nhỏ (do giá thành đạn HVAP rất cao, nên có lẽ Liên Xô chỉ sản xuất số lượng lớn nếu xảy ra chiến tranh).

Vào năm 1953, BR-412B được thay thế bởi đạn BR-412D. Cả BR-412B và BR-412D tiếp tục được sử dụng song song trong một thời gian (một số quốc gia đồng minh cũ của Liên Xô thì vẫn sử dụng đạn BR-412B vào những năm 2000). Đạn nặng 30,4 kg, sơ tốc 887 m/s. Theo cách tính của Liên Xô (tỷ lệ xuyên 80%, thép mục tiêu có độ cứng 250-350 BHN), sức xuyên giáp là 200mm thép ở cự ly 100 mét, 185mm thép ở 500 mét, 170mm thép ở 1000 mét, 155mm thép ở 1500 mét và 125mm thép ở 2000 mét. Nhìn chung, BR-412D cải thiện sức xuyên giáp 20% so với BR-412B. Theo những con số này, BR-412D có khả năng xuyên giáp phía trước của Leopard 1 ở khoảng cách vượt quá 1.500 mét. Đối với M48 Patton, BR-412D có thể bắn xuyên mặt trước tháp pháo ở khoảng cách 1.800 mét, hoặc xuyên mặt trước thân xe ở khoảng cách 500 mét.

Năm 1967, đạn 3BM8 APDS cho pháo D-10T đi vào hoạt động. Việc phát triển đạn pháo chống tăng của Liên Xô rất bất thường khi đạn APFSDS đi vào phục vụ trước đạn APDS. Đạn nặng 20,9 kg, trong đó thanh xuyên nặng 4,13 kg làm bằng tungsten, sơ tốc 1.415 m/s. Ở cự ly 2000 mét, đạn có độ xuyên 190mm thép ở góc chạm 0° hoặc 80mm ở góc chạm 60°.

Sau đó, đạn 3BM8 được thay thế bằng đạn 3BM20 APFSDS, nó có một lõi hỗn hợp thép - cacbua vonfram trong cùng một thiết kế như đạn 115mm 3BM3. Thiết kế của mũ xuyên giáp 3BM20 cho hiệu năng vượt trội với mục tiêu nghiêng so với đạn 3BM8 APDS. Ở cự ly 2000 mét, đạn có độ xuyên 240mm thép ở góc chạm 0° hoặc 110mm ở góc chạm 60°.

Sau đó là loại đạn 3BM25 "Izomer" được chế tạo năm 1976 (kế hoạch hiện đại hóa đạn dược cho xe tăng đã được ban hành vào năm 1972 và dẫn đến việc tạo ra các loại đạn 3BM25 "Izomer" cỡ 100mm cho T-54/55, 3BM21 "Zastup" cỡ 115mm cho pháo U-5TS trên T-62, và 3BM22 "Zakolka"cho pháo 125mm D-81T trên T-64, T-72). Ở cự ly 1.000 mét, đạn có độ xuyên 320mm thép ở góc chạm 0°. Ở cự ly 2.000 mét, đạn có độ xuyên 300mm thép ở góc chạm 0° hoặc 140mm ở góc chạm 60°. Đây là loại đạn APFSDS cuối cùng được Liên Xô phát triển cho T-54/55 trước khi nó được rút khỏi phục vụ.


Phiên bản cải tiến TR-85M1 của Rumani năm 2009

Do T-54/55 đã được Liên Xô rút khỏi phục vụ vào cuối thập niên 1980 nên đạn pháo của nó đã lâu không có cải tiến. Theo thời gian, uy lực của pháo chính trên T-54/55 bị đánh giá không còn hiệu quả khi đối đầu những dòng xe tăng hiện đại, kém xa các loại pháo tiên tiến cỡ 125mm trên T-72/80/90, hay pháo 120mm tiêu chuẩn NATO. Nhưng số lượng T-54/55 đang hoạt động trong quân đội các nước ở châu Á, châu Phi vẫn rất lớn, nên một số nước đã nghiên cứu loại đạn xuyên động năng thế hệ mới cỡ 100mm để xuất khẩu cho các nước vẫn đang duy trì hoạt động của T-54/55. Ví dụ như công ty Mecar SA của Bỉ đã giới thiệu đạn xuyên động năng M1000A1 cỡ 100mm. Loại đạn này nặng 21 kg, trong đó lõi xuyên bằng hợp kim Tungsten nặng 5 kg được đẩy đi bởi 8 kg thuốc súng, cho sơ tốc đầu nòng 1.475 m/s, có thể xuyên thủng được 380 mm giáp đồng nhất (RHA) từ cự ly 2.000 mét ở góc chạm 0°[2]. Hoặc công ty Aeroteh SA của Rumani đã liên doanh với Israel để chế tạo loại đạn BM-421 Sg, ở góc chạm 0° nó có thể xuyên thủng được 444 mm RHA từ cự ly 500 mét, 425 mm RHA từ cự ly 1.000 mét và 328 mm RHA từ cự ly 2.000 mét

Về đạn nổ lõm (HEAT), T-54/55 trang bị đạn BK-5M ra đời năm 1961, có sức xuyên 390mm thép (không phụ thuộc vào khoảng cách). Sức xuyên này đủ để xuyên thủng giáp trước của M48 Patton của Mỹ. Tuy nhiên ở thập niên 1960, việc thiếu thiết bị đo khoảng cách khiến độ chính xác của đạn HEAT kém hơn nhiều so với đạn APFSDS, nên BK-5M thường chỉ dùng để tấn công mục tiêu đứng yên hoặc ở gần (dưới 1.000 mét) chứ ít khi dùng để hạ mục tiêu di động ở xa.


Khả năng bảo vệ[sửa | sửa mã nguồn]


Ở thời điểm ra đời, T-54 là một thiết kế rất thành công. So với tiền nhiệm T-34, T-54 có vỏ giáp trước dày hơn 2,2 lần (200mm so với 90mm), pháo chính 100mm mạnh hơn 1,5 lần so với pháo 85mm của T-34, trong khi đó trọng lượng xe không cao hơn đáng kể (36 tấn so với 32 tấn). So với đối thủ là M47 Patton và M48 Patton của Mỹ, T-54 nhẹ hơn rất nhiều (M48 nặng tới 50 tấn) trong khi vỏ giáp thì nhỉnh hơn và hỏa lực thì mạnh hơn (M48 chỉ trang bị pháo 90mm). Kích thước nhỏ gọn của xe cũng khiến T-54 trở thành mục tiêu khó bị bắn trúng hơn so với M48. Ngoài ra, mặt trước thân xe của T-54 được làm bằng thép hàn, có độ vững chắc tốt hơn so với mặt trước thân xe của M47 Patton được làm bằng thép đúc, dù độ dày danh nghĩa là như nhau (thử nghiệm của Nam Tư đã xác nhận điều này)[3]



T-55AM2 của Sri Lanka với giáp yếm phía trước tháp pháo

Nhìn chung, T-54 có thể được coi là là ngang bằng với Xe tăng M60 Patton về vỏ giáp thân xe[4] (trong khi M60 ra đời sau 10 năm và nặng hơn 10 tấn).

Trong thử nghiệm của Nam Tư, mặt trước của tháp pháo T-54 chỉ có thể bị xuyên thủng bởi đạn PzGr-39-1 APCBC bắn từ khẩu KwK-43 88mm (khẩu pháo trên xe tăng Tiger II) ở khoảng cách gần hơn 600 mét. Mặt trước thân xe là hoàn toàn không thể xuyên thủng, thậm chí từ 100 mét.

Một thử nghiệm với pháo 90mm M3A1 trang bị trên M47 Patton cho thấy vỏ giáp của T-54 là rất tốt theo tiêu chuẩn thời bấy giờ. Đạn 90mm T33 APBC hoàn toàn không thể xuyên thủng mặt trước tháp pháo T-54 ở bất kỳ phạm vi nào, phần phía trước của mặt bên tháp pháo chỉ có thể bị đánh bại ở phạm vi rất gần là 250 mét. Khi đạn T33 được bắn ra từ khẩu pháo M36 mới hơn trên M48 Patton, nó vẫn không thể xuyên thủng mặt trước thân xe, hoặc chỉ xuyên được mặt trước của tháp pháo T-54 ở khoảng cách ở 350 m, hoặc phần phía trước của mặt bên tháp pháo ở cự ly 850 m. Khi đấu với T-54, xe tăng M48 bắt buộc phải dùng đạn xuyên giáp cao cấp M304 APDS thì mới có thể xuyên được mặt trước tháp pháo T-54 ở cự ly 750 mét, hoặc xuyên được mặt trước thân xe ở cự ly 200-300 mét. Ngược lại, pháo 100mm của T-54 khi sử dụng đạn BR-412D APCBC có thể bắn xuyên giáp trước tháp pháo của M48 Patton ở cự ly 1.200 mét, xuyên được giáp trước thân xe ở cự ly 500 mét, và nếu sử dụng đạn BR-412D APCR thì cự ly tiêu diệt được M48 còn xa hơn nữa. Về sau, khi đạn 3BM-8 APDS ra đời (năm 1967) thì T-54 không gặp khó khăn trong việc bắn xuyên giáp trước Xe tăng M60 ở cự ly 1.000 mét[4].

Một số phiên bản T-54/55 cải tiến có mặt trước thân xe và hông tháp pháo được bổ sung lớp giáp yếm BDD tăng cường, làm tăng khả năng kháng chịu đạn nổ lõm chống tăng. Đây là một hình thức của áo giáp hộp NERA, bao gồm các tấm thép xen kẽ với các lớp vật liệu tổng hợp. Bộ giáp yếm BDD tăng cường khả năng bảo vệ T-54/55 lên đến mức của T-72M, đồng thời cũng khiến trọng lượng T-62M tăng lên 40 tấn. Sức kháng cự của giáp trước tháp pháo (gồm lớp giáp yếm tăng cường với giáp xe) tương đương 340mm thép khi chống đạn động năng hoặc 400-450mm thép khi chống đạn nổ lõm, đủ để chống lại các loại đạn APFSDS cỡ 105mm đầu thập niên 1970 cũng như tăng đáng kể khả năng sống sót trước súng chống tăng bộ binh như M72 LAW và RPG-7.


T-54 của quân đội Serbia với giáp phản ứng nổ Kontakt-1

Khi giáp phản ứng nổ loại Kontakt-1 ra đời vào đầu những năm 1980, một số chiếc T-54/55 được trang bị loại giáp này nhưng chỉ để đánh giá. Mỗi khối Kontakt-1 có thể làm giảm sức xuyên của đạn nổ lõm lên đến 55% ở góc chạm 0 độ, và lên đến 80% khi góc chạm ở 60 độ. Việc bổ sung Kontakt-1 sẽ làm cho T-54/55 chống lại được tất cả các loại súng và tên lửa chống tăng không có đầu đạn nối tiếp. Tuy nhiên, thay vì Kontakt-1, T-54/55 nâng cấp được Liên Xô trang bị chủ yếu là giáp yếm BDD, bởi giáp yếm rẻ hơn và dễ lắp đặt hơn, và bởi T-54/55 đã trở nên lỗi thời vào thời kỳ đó (giáp phản ứng nổ được ưu tiên cho các loại xe mới hơn là T-72 và T-80).

Sau này, khi giáp phản ứng nổ trở nên phổ biến, nhiều nước đã tự nâng cấp T-54/55 trong biên chế của họ bằng việc mua giáp phản ứng nổ để gắn lên xe. Để xuất khẩu, Nga tiến hành một số gói nâng cấp cho T-54/55. Tiêu biểu là T-55M5 là gói nâng cấp thiên về khả năng phòng thủ, xe được lắp đặt thêm giáp phản ứng nổ thế hệ 2 Kontakt-5 quanh mặt trước tháp pháo và mặt trước thân. Kontakt-5 có khả năng giảm 50% sức xuyên phá của đạn nổ lõm và giảm 25% độ xuyên phá của đạn xuyên giáp động năng. T-54/55 khi được gắn Kontakt-5 được cho là có thể chịu được đạn xuyên giáp động năng APFSDS cỡ 105mm ở cự ly 1.500 mét, hoặc chịu được đạn nổ lõm (HEAT) cỡ 105mm từ mọi cự ly.


T-55 Enigma của Iraq với giáp hộp gắn quanh xe

Một số nước cũng tự tìm cách nâng cấp vỏ giáp của T-54/44 với công nghệ nội địa. T-55 Enigma của Iraq là một trong số những nỗ lực nâng cấp đáng chú ý hồi những năm 1980. Những tấm giáp được kỹ sư Iraq thiết kế đặc biệt đã được gắn vào bên hông xe và phần tháp pháo. Những tấm giáp này có lõi gồm nhiều khe, mỗi khe được cấu thành từ những tấm thép, nhôm và cao su. Mỗi xe tăng T-55 Enigma có 32 khối giáp được lắp đặt thêm, trong đó 8 khối bảo vệ hai phần thân, hai khối lớn được sử dụng bảo vệ động cơ, 8 khối được sử dụng để bảo vệ tháp pháo và nhiều tấm cỡ nhỏ khác để bảo vệ những chi tiết quan trọng của chiếc xe tăng. Trọng lượng của T-55 Enigma lên tới 41 tấn so với nguyên bản 36 tấn. Những tấm giáp do Iraq tự chế có hiệu quả thấp hơn giáp yếm BDD và giáp phản ứng nổ của Liên Xô, nhưng vẫn có hiệu quả khá tốt khi chống đạn nổ lõm, đồng thời nó rất rẻ và dễ chế tạo. Trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, T-55 Enigma thẻ hiện được khả năng sống sốt rất tốt khi đối đầu với bộ binh Mỹ, những thứ vũ khí chống tăng bộ binh phổ biến của Mỹ thời bấy giờ thường bị vô hiệu hóa bởi các tấm giáp đặc biệt này. Có trường hợp 1 chiếc T-55 Enigma bị trúng tới 4 quả tên lửa chống tăng MILAN mà vẫn không bị phá hủy.

Tất cả các xe T55 đều có hệ thống dò tìm bức xạ PAZ, và T-55A cũng có thiết bị chống bức xạ. Một số chiếc T-55 được trang bị một hệ thống bảo vệ tổng thể NBC (lọc không khí và quá áp suất). Một màn khói dày có thể được tạo ra bằng cách phun nhiên liệu diesel bay hơi vào một hệ thống hút khí để tạo ra những chùm khói trắng đục, giúp che khuất tầm nhìn của các thiết bị ngắm bắn quang học và ảnh nhiệt trên xe tăng địch. Một số phiên bản T-54/55 nâng cấp được trang bị hệ thống phóng lựu đạn khói, giúp tạo màn khói nhanh hơn.

Một số cải tiến khác có thể được trang bị thêm gồm một đáy vỏ được tăng cường chống mìn, động cơ tốt hơn, xích bằng các miếng cao su, và ống bọc nhiệt cho súng.

Để đổi lấy khung thân nhỏ, vỏ giáp dày và tốc độ sản xuất nhanh (nhằm đáp ứng nhu cầu của chiến tranh tổng lực với cường độ tổn thất cực lớn), độ tiện nghi của T-54 kém hơn các xe của Mỹ (đặc điểm thường thấy của các xe tăng Liên Xô) và thiết kế của T-54 gây khó khăn cho việc nạp đạn. Theo đài Discovery của Mỹ, họ xếp T-54 vào hàng thứ 9 trong Top 10 xe tăng thành công nhất trong lịch sử, với các tiêu chí được đánh giá: tốc độ sản xuất nhanh hàng đầu, hỏa lực và vỏ giáp khá tuy nhiên độ tiện nghi kém.



Hệ thống bảo vệ hoạt động tích cực (APS) đầu tiên trên thế giới, được gọi là Drozd, được phát triển ở Liên Xô giữa 1977 và 1982. Hệ thống này được lắp đặt trên khoảng 250 chiếc T-55A của cả thuỷ và bộ binh (sau đó được đổi tên thành T-55AD) vào đầu những năm 1980, và được thiết kế để bảo vệ khỏi ATGM và lựu đạn chống tăng. Nó sử dụng các cảm biến vi sóng radar đầu tiên ở mỗi bên tháp pháo để dò tìm đạn đang bay đến. Một máy lọc bên trong bộ xử lý radar được dùng để đảm bảo rằng hệ thống chỉ phản ứng lại với các mục tiêu đang bay ở tốc độ đặc trưng của ATGM. Những mục tiêu đó sẽ bị một hay nhiều rocket có mang các đầu đạn nhiều mảnh (giống với đạn súng cối), được bắn ra từ bốn ống phóng xung quanh (mỗi phía của tháp pháo có một ống).

Dù khá hiệu quả nhưng Drozd dù sao vẫn là hệ thống đời đầu và vẫn còn nhiều thiếu sót. Drozd chỉ cung cấp sự bảo vệ hướng ra phía trước 60 độ ở phần tháp pháo, hai bên cạnh và phía sau có thể bị tấn công, để thay đổi hướng bảo vệ của hệ thống thì kíp lái phải quay tháp pháo. Radar của nó không thể xác định đe doạ ở nhiều mức góc nâng một cách thoả đáng, và các rocket phòng vệ có thể gây ra tổn hại với bộ binh đi theo ở 2 bên xe. Trong thập niên 1990, hệ thống này được thay thế bởi hệ thống ARENA tiên tiến hơn.



T-55 được chế tạo hiệu quả để tiêu diệt xe tăng hạng trung của đối phương. Đạn nạp căn bản cho súng chính là 43 viên. Các đơn vị nhiên liệu bên ngoài làm cho xe rất dễ bị tổn hại, vì nó được bảo vệ bằng vỏ thép mỏng. T-55 có khả năng hạn chế trong việc hạ súng chính, gây trở ngại cho xe trong việc bắn tỉa từ trên khu đất cao. Ở những phiên bản T-54 đầu tiên, ống ngắm của pháo thủ lại bị gắn với súng chính, không cho phép pháo thủ kiếm được các mục tiêu một cách nhanh chóng.

Mặc dù tháp pháo hình nửa quả trứng của T-55 có các tính chất tốt của hình cầu, nó cản trở điều kiện làm việc của kíp lái. Theo cùng một tiêu chuẩn, thiết bị kiểm soát súng của nó cũng còn thô thiển so với các thiết kế xe tăng sau này. Vũ khí và nhiên liệu được bố trí ở vị trí dễ bị nguy hiểm. Việc thiếu cái rổ tháp pháo làm cho việc nạp đạn khó khăn. Người lái, chỉ huy, và pháo thủ tất cả đều trên một hàng, do đó nếu xe bị trúng đạn thì khả năng thương vong cả tổ lái sẽ tăng lên.

Bởi tháp pháo nhỏ và thấp nên góc hạ nòng của T-54/55 thường thấp hơn so với xe tăng phương Tây. Các nhà thiết kế phương Tây cho rằng đây là nhược điểm, bởi xe tăng sẽ không tận dụng được chiến thuật "Hull-Down" (nấp thân xe sau mô đất dốc, chỉ để hở nòng pháo) khi phòng thủ, khi ở địa hình cao hơn đối phương thì T-54 phải thò ra một phần thân xe để chiến đấu. Tuy nhiên, các nhà thiết kế Liên Xô không xem đây là một nhược điểm, bởi phương thức tác chiến chủ yếu của xe tăng không phải là phòng ngự mà là cơ động tấn công, tháp pháo nhỏ sẽ giúp giảm đáng kể xác suất trúng đạn khi tác chiến vận động. Nhiệm vụ ẩn nấp phòng ngự là của lực lượng pháo chống tăng chứ không phải của xe tăng, tuy nhiên nếu bắt buộc phải bố trí phòng thủ (vốn ít khi diễn ra) thì T-54/55 vẫn hoàn toàn có thể dùng lưỡi ủi đất (gắn trước thân xe) để tự đào hố ẩn nấp kiểu "Hull-Down" chỉ trong mấy phút.

T-55 không hoàn toàn kín không khí nên tổ lái có thể bị ảnh hưởng bởi vũ khí hóa học hay phóng xạ. Dù các thành viên kíp lái được bảo vệ khỏi bụi phóng xạ bởi một hệ thống lọc, họ bắt buộc phải đeo mặt nạ bảo vệ cá nhân và mặc đồ chống chất hoá học và sinh học. Xe tăng vì thế phải đi qua những vùng bị ô nhiễm nhanh chóng và sau đó lại phải được tẩy rửa trước khi hoạt động trở lại.

Xe tăng có thể được chế tạo kín nước để vượt qua chướng ngại nước với độ sâu lên đến 1,4m (5,5m với ống thông hơi). Tuy nhiên, có thể mất đến nửa giờ để chuẩn bị một đơn vị tăng trung bình để hoạt động được, và điểm vượt sông cũng cần được chuẩn bị.



T-54/55 là dòng xe tăng được Liên Xô sản xuất nhiều nhất, và đã tham gia vào rất nhiều các cuộc chiến tranh từ Việt Nam đến Trung Đông, Israel - Ả Rập, Ấn Độ - Pakistan, Afghanistan...


Trung Đông[sửa | sửa mã nguồn]


Khi cuộc chiến tranh Israel - Ả rập xảy ra năm 1967, khối Ả rập (trừ quân Jordan) trang bị chủ yếu là xe tăng T-34 (cũ) và T-54/55 của Liên Xô, còn Israel dùng xe tăng Centurion của Anh và M4 Sherman (cũ) của Mỹ. Lực lượng xung kích chính của các lữ đoàn thiết giáp Israel là 385 xe tăng Centurion (đã được nâng cấp với pháo 105mm) và 250 xe M48 Patton (chủ yếu là pháo 90mm).



Xe Tiran-5 của Israel cải tiến từ T-55 thu được của quân Ả Rập

Do tinh thần thấp và chiến thuật kém, huấn luyện sơ sài, lính tăng Ai Cập đã không phát huy được những ưu điểm của T-54/55 trước đối thủ. Khi Tư lệnh quân đội Ai Cập – tướng Amer ra lệnh rút khỏi bán đảo Sinai, lính tăng Ai Cập đã nhanh chóng mất hàng ngũ, họ vứt bỏ hàng loạt các vũ khí hạng nặng còn nguyên vẹn để rút chạy một cách vô tổ chức. Ai Cập mất gần 820 xe tăng (291 T-54, 82 T-55, 151 T-34/85, 72 IS-3M, 29 PT-76, 50 M4 Sherman), một số lượng lớn vẫn còn nguyên vẹn và bị Israel thu giữ. Còn về phía mình, Israel mất trên bán đảo Sinai 120 xe tăng – ít hơn nhiều so với số xe tăng chiến lợi phẩm thu được. Tuy nhiên, tại mặt trận Syria, lực lượng tăng thiết giáp của Quân đội Syria tỏ ra có chiến thuật tốt hơn nhiều so với quân Ai Cập. Họ chỉ mất tổng cộng 73 chiếc xe tăng bao gồm T-34-85, T-54 và Panzer IV, trong khi đó phía Israel bị phá hủy tới 180 chiếc xe tăng các loại.

Trong thập niên 1960, các xe tăng T-55 thể hiện khả năng tác chiến tốt hơn xe tăng phương Tây vào ban đêm. Các kíp lái xe tăng Centurion và M48 Patton chỉ có thể dựa vào đạn vạch sáng và tên lửa, đèn pha và đèn chiếu, trong khi T-54/55 có kính nhìn đêm sử dụng đèn hồng ngoại. Lúc đầu, lính tăng Israel đã bật đèn pha để tham chiến, nhưng làm như vậy sẽ lộ vị trí xe tăng. Còn đối với đạn vạch sáng, các trưởng xe Israel không kịp quan sát thấy đối phương để chỉ thị mục tiêu cho pháo thủ.

Xét về tổng thể, các xe tăng T-54/55 đáp ứng mức độ hiện đại đối với xe tăng phương Tây ở chiến trường Trung Đông. Mức tổn thất cao chủ yếu là do chiến thuật nghèo nàn, việc huấn luyện sơ sài và tinh thần kém của các kíp lái Ả Rập. Ví dụ như quân thiết giáp Jordan được trang bị phần lớn xe tăng phương Tây giống hệt như quân Israel (xe tăng Centurion và M48 Patton), nhưng họ vẫn thua nặng khi đấu với Israel. Việc này được công nhận bởi chính người Israel – một sỹ quan cao cấp trong quân đội Israel đã từ chối so sánh các xe tăng Mỹ với T-54 và T-62 khi nhấn mạnh rằng quân Ả rập “đơn giản là thể hiện không đúng lúc và đúng chỗ, gây ra tổn thất cao về xe tăng”. Quân đội Israel đã sử dụng hàng trăm xe tăng T-54/55 chiến lợi phẩm với tên gọi Ti-67, Tiran-4Sh và Tiran-5Sh. Những xe này được Israel thay khẩu súng máy DShK trên nóc xe bằng khẩu M2 Browning của Mỹ, thay pháo 100mm bằng pháo 105mm để bắn được đạn của khối NATO.

Trong Nội chiến Jordan năm 1970, các xe tăng Syria đã gây ra những tổn thất nặng nề cho các xe tăng Centurion của Jordan. Trong một trường hợp, một đội T-55 đã ngăn chặn đà tiến của 1 đoàn lớn xe tăng Jordan, 10 chiếc T-55 của Syria đã bị tổn thất đổi lấy 19 xe tăng Centurion của Jordan.

Trong chiến tranh Lebanon năm 1982, các xe tăng T-55 của Syria đã chiến đấu với những chiếc Centurion, M48 Patton và cả Merkava 1 của Israel. Trong trận Sultan Yacoub, một đội hình hỗn hợp T-55 và T-62 đã phục kích ngăn chặn đà tiến của đơn vị lớn xe tăng Israel. 10 chiếc xe tăng, 3 xe thiết giáp của Israel bị phá hủy, phía Syria chỉ bị thiệt hại nhẹ. Quân đội Syria đã thể hiện kỹ năng chiến thuật tốt hơn nhiều so với cuộc chiến năm 1967, và cuối cùng đã ngăn chặn được đà tiến của 5 sư đoàn Israel. Quân Israel thất bại trong việc chiếm thung lũng Beka'a, Syria vẫn giữ được đường cao tốc Beirut-Damascus sau khi chiến đấu với một đối thủ vượt trội cả về số lượng và chất lượng.

Chiếc xe tăng này cũng được Iraq sử dụng nhiều trong Chiến tranh Iran-Iraq 1980-88, và thu được khá nhiều thành công. Vào ngày 15 tháng 10 năm 1980, một tiểu đoàn thiết giáp của Iraq gồm các tăng T-55 và T-62 đã phục kích một đoàn xe lớn của Iran, được hộ tống bởi một tiểu đoàn xe tăng Chieftain, đến từ thành phố Ahwaz của Iran. Sau trận chiến ngắn ngủi nhưng mãnh liệt, quân Iraq phá huỷ 20 xe tăng Chieftain và toàn bộ đoàn xe của Iran[5] T-54/55 cũng đã tham gia vào trận đánh xe tăng lớn nhất của cuộc chiến vào đầu tháng 1 năm 1981, chiến dịch Nasr. Iran đã mất khoảng 214 xe tăng Chieftain và xe tăng M60A1, cùng khoảng 100 xe thiết giáp trong trận chiến. Đổi lại, Iraq chỉ mất 50 tăng T-55 và T-62 cùng khoảng 50 xe thiết giáp.


Ấn Độ[sửa | sửa mã nguồn]


Những chiếc T-55 đã phục vụ cho quân đội Ấn Độ từ thập niên 1960. Nó là một trong những chiếc xe tăng đầu tiên của Nga được sử dụng bởi quân đội Ấn Độ và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971 và được triển khai tại Punjab. Trong trận Basantar, những chiếc T-55 (phối hợp cùng một vài chiếc Centurion) của Ấn Độ đã đánh bại lực lượng xe tăng M48 Patton của Pakistan, 10 chiếc xe tăng của Ấn Độ bị phá hủy, trong khi Pakistan bị tổn thất 46 xe tăng.

Trong 1 tình huống tác chiến tại trận này, 3 chiếc xe tăng T-55 của Ấn Độ đã giao chiến với 14 xe tăng M48 Patton của Pakistan. Phía Ấn Độ đã bắn hạ 10 chiếc xe tăng địch[6], trong đó chiếc T-55 của Trung úy Arun Khetarpal đã bắn cháy 7 chiếc. Chiếc T-55 của Trung úy Arun Khetarpal sau đó bị trúng đạn và Khetarpal tử trận, sau đó anh được truy tặng danh hiệu cao quý nhất của quân đội Ấn Độ.

T-55 tiếp tục phục vụ quân đội Ấn Độ cho tới năm 2011, sau đó nó được thay thế bởi những chiếc T-72 và T-90 hiện đại hơn.


Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]



T-54 và Type-59 là hai loại xe tăng chiến đấu chủ lực mà Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, trong ảnh là bản sao của chiếc xe tăng Type-59 mang số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập ngày 30/4/1975, bản gốc của nó đang được trung bày tại Bảo tàng Binh chủng Tăng-Thiết giáp, Hà Nội.[7]

T-54 là xe tăng chiến đấu chủ lực của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn sử dụng hai loại xe tăng khác là T-34 và PT-76, tuy nhiên hai loại xe tăng này chỉ đóng vai trò phụ trợ, lực lượng tác chiến chính vẫn là những chiếc T-54 và Type-59 (phiên bản T-54 do Trung Quốc sản xuất). Trong suốt chiến tranh, Việt Nam đã được Liên Xô, Trung Quốc viện trợ tổng cộng khoảng 1.000 xe T-54 và Type-59 (tuy nhiên trong giai đoạn này, Liên Xô không viện trợ loại T-55 cho Việt Nam).

Trong năm 1960, một số đoàn học viên được gửi đi Liên Xô để được đào tạo nâng cao và học về loại T-54. Ngày 29 tháng 2 năm 1962, Việt Nam tiếp nhận thêm một số trang bị mới bao gồm 19 xe PT-76, 11 xe T-54, 1 xe MTY-10, 4 xe dắt T-34 do Liên Xô viện trợ. Cuối năm 1963, Việt Nam tiếp nhận thêm 72 xe T-34, 11 xe T-54, 31 xe PT-76. Lúc này, tổng số xe tăng thiết giáp và các xe hỗ trợ của Việt Nam đã có là 164 chiếc các loại.[8]

Trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, bộ đội Tăng thiết giáp với trang bị 88 xe tăng (bao gồm 33 xe tăng T-54) đã cùng các đơn vị bạn đập tan cuộc tấn công của địch, góp phần bảo vệ con đường vận chuyển chiến lược Đường mòn Hồ Chí Minh.

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, với lực lượng khoảng 10 tiểu đoàn, trang bị 322 xe tăng, xe thiết giáp các loại (trong đó hơn một nửa là T-54), lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam đã tham gia nhiều chiến dịch, đánh 82 trận, vận dụng nhiều hình thức chiến thuật, phương pháp tác chiến và giành nhiều thành tích.

Ngày 24/4/1972, trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên, kíp xe tăng T-54 số hiệu 377 (gồm Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển - Trung đội trưởng - Trưởng xe, hạ sĩ Hoàng Văn Ái - pháo thủ, hạ sĩ Trần Quang Vịnh - lái xe, hạ sĩ Nguyễn Đắc Lương - pháo thủ) đã cùng với trung đoàn 1 bộ binh thuộc sư đoàn 2 tấn công căn cứ Đăk Tô 2. Xe 377 dẫn đầu hai xe 354 và 369 lao thẳng vào cứ điểm, nhưng vì gặp chướng ngại vật nên hai xe kia bị tụt lại phía sau. Quân địch cho xuất kích 10 chiếc tăng M41 chia làm 2 mũi bao vây. Chiếc xe tăng 377 đã một mình đối chọi với 10 chiếc xe tăng M41 của địch, tiêu diệt 7 xe tăng M41 trước khi bị trúng đạn và bốc cháy. Cả bốn người đều hy sinh, về sau kíp xe đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân[9]

Trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, chiến sỹ Đoàn Sinh Hưởng là Đại đội trưởng Đại đội 9 Trung đoàn xe tăng 273, kiêm chỉ huy xe tăng T-54 số hiệu 980 đánh trận nổi tiếng trên đường số 14, góp phần giải phóng Buôn Mê Thuột, tiến quân xuống giải phóng tiếp Phú Yên. Trong chiến dịch, xe tăng của ông đã tiêu diệt hàng chục bộ binh địch, bắn cháy 2 xe bọc thép M113, 3 xe tăng, 15 xe vận tải quân sự, 1 trận địa pháo 105mm gồm 4 khẩu, bắn cháy 1 tàu chiến và 1 xuồng chiến đấu. Sau khi giải phóng Phú Yên, Đại đội 9 đã hành quân vào Sài Gòn. Đến Cầu Bông, cửa ngõ Tây bắc Sài Gòn, 4 xe tăng T-54 của Đại đội 9 giao chiến với 1 đoàn gồm 24 xe tăng - xe thiết giáp của địch. Đại đội 9 bắn cháy 12 xe địch, hỗ trợ bộ binh thu giữ 12 xe còn lại, rồi tiếp tục tiến đánh trại Quang Trung tại ngã tư Bảy Hiền; đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Tháng 9 năm 1975, Đoàn Sinh Hưởng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân[10][11][12]

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng tư lệnh đã huy động 398 xe tăng, thiết giáp (gồm nhiều xe chiến lợi phẩm) tiến vào chiến đấu dẫn đầu đội hình năm cánh quân giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Chiếc T-54 số hiệu 390 là chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào 10h45 ngày 30/4/1975. Đại đội trưởng đại đội xe tăng 4 Bùi Quang Thận (kiêm chỉ huy xe tăng T-54 số hiệu 843) đã nhảy xuống xe, chạy lên cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập.

Tính chung từ năm 1968 cho đến hết năm 1975, các đơn vị tăng thiết giáp Việt Nam đã tham gia chiến đấu trong 14 chiến dịch, 211 trận đánh, diệt 2 vạn bộ binh, phá hủy gần 2.000 xe tăng - xe thiết giáp và 870 xe quân sự các loại; đánh sập 3.500 lô cốt, ụ súng và trận địa pháo, bắn chìm hoặc bắn cháy 18 tàu, xuồng chiến đấu; bắn rơi 35 máy bay các loại, đồng thời hỗ trợ các đơn vị bạn thu giữ 1.672 xe tăng - xe thiết giáp, 250 súng cối và nhiều trang thiết bị quân sự của địch. Trong thành tích chung này, chiếm tỷ lệ lớn nhất là thành tích của T-54. Đổi lại, khoảng 350 - 400 xe T-54 của Việt Nam bị phá hủy trong suốt chiến tranh.



Xe tăng T-55 Iraq bị bắn cháy năm 2003

Tăng T-54/55 từng được chế tạo với số lượng lớn nhất so với bất kỳ loại tăng nào khác trên thế giới. Sáu kiểu chính đã được sử dụng rộng rãi tại các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw và nhiều nước khác. Các mẫu T-54/55 từng được chế tạo tại Tiệp Khắc và Ba Lan cũng như ở Trung Quốc nơi nó được gọi là Kiểu 59. Hơn mười hai nước đã chế tạo các biến thể cải tiến của T-55 với khả năng bảo vệ và khả năng tấn công gần tương tự. Nhiều nước đã nâng cấp cho nó với súng chính mạnh hơn và giáp dày hơn.


  • T-54: Có nhiều khác biệt giữa xe T-54 thời kỳ đầu và thời kỳ sau, một số chiếc có giáp rộng hơn và tháp pháo bị cắt ngắn ở bên cạnh. Thỉnh thoảng chúng được coi là T-54 (1949), T-54 (1951) và T-54 (1953).

  • T-54A: Kiểu này có máy hút khói cho súng 100mm, hệ thống ổn định và thiết bị lội sâu.

  • T-54AK: Tăng chỉ huy (Kiểu của Ba Lan là T-54AD). Có thêm radio và tầm hoạt động của radio là 100 dặm.

  • T-54M: T-54 được nâng cấp theo tiêu chuẩn của T55M.

  • T-54B: Kiểu đầu tiên có thiết bị quan sát hồng ngoại ban đêm. Đây là kiểu được sử dụng ở những nước trên.

  • T-55: T-54 với tháp pháo mới và nhiều cải tiến, các kiểu được chế tạo về sau này có một súng 12.7mm AA MG. Các cải tiến từ kiểu T-54 gồm một động cơ diesel làm mát bằng nước V12 lớn hơn và tầm hoạt động rộng hơn 500 thay vì 400 km (600 với các xe tăng bổ trợ). Tầm hoạt động có thể tăng lên đến 715 km với hai bình xăng phụ 200 lít ở hai bên xe. T-55 có tháp pháo hoàn toàn khác so với T-54, sự khác biệt dễ nhận thấy nhất là T-55 không có quạt gió nóc và thay vào đó là hai thanh nóc hình chữ D. Các xe T-55 đầu tiên cũng không có máy nạp đạn cho súng 12.7mm DShK AA MG cửa sập của máy nạp đạn hơi thò lên hay không thò lên khỏi xung quanh lớp giáp.

  • T-55A được thêm hệ thống bảo vệ NBC. T-55A sử dụng một lớp chống bức xạ mới và hệ thống lọc hoá chất PAZ/FVU được cải tiến trên cùng tháp pháo. Lớp chống bức xạ làm tháp pháo dày hơn và không bằng với bề mặt tháp pháo. Các chi tiết đáng chú ý là sự chải lớn hơn ở cửa của chỉ huy và pháo thủ, và một chỗ phồng lớn ở cửa người lái. T-55A Kiểu 1970 bắt đầu có súng 12.7mm, nhưng ở vị trí khác với T54.

  • T-55M có thêm hệ thống kiểm soát lửa Volna (với máy phóng ATGM), hệ thống ngắm và ổn định súng được cải tiến, động cơ tốt hơn, radio mới, và bảo vệ tốt hơn. Nó gồm váy hai bên, súng phóng lựu đạn khói, miếng đính bảo vệ, và bảo vệ lửa.

  • T-55AM có thêm vỏ yếm, một vỏ bọc quanh tháp pháo và bảo vệ 180°. Sự gọi tên T-55AM thỉnh thoảng cũng dùng cho T-55A với súng 12.7mm DShK MG.

  • T-55AM2: Biến thể không có khả năng bắn ATGM hay Volna FCS.

  • T-55AM2P: Kiểu T55AMV của người Ba Lan nhưng có thêm Merida FCS.

  • T-55AMD: Biến thể với Drozd APS thay vì ERA.

  • T-55AD Drozd: Biến thể với Drozd chứ không phải Volna FCS và ERA.
Tiran-5Sh tại bảo tàng Yad la-Shiryon, Israel.

  • Ti-67 – Một phiên bản cải tiến của Israel áp dụng cho các xe tăng T-54/55 của quân Ả Rập bị họ thu giữ năm 1967. Thay thế pháo D-10T2S 100mm bằng pháo 105mm M68 chuẩn NATO thời bấy giờ. Ti67 cũng thay đổi hoàn toàn vũ khí phụ, bỏ khẩu 7,62mm PKT đồng trục pháo chính và khẩu đại liên 12,7mm DShKM trên nóc tháp pháo và thay bằng khẩu 7,62mm Browning và 12,7mm Bromwning M2HB chuẩn NATO. Cùng với đó, hệ thống điều khiển hỏa lực được nâng cấp, trang bị mới hệ thống liên lạc, thay đổi ghế ngồi cho kíp lái.
    • Tiran-4Sh: tương tự như Ti-67, cải tiến áp dụng cho các xe tăng T-54/55 của quân Ả Rập bị họ thu giữ năm 1973.

    • Tiran-5Sh: gói nâng cấp cuối cùng của Israel, cũng thay đổi vũ khí như Ti-67 và Tiran-4Sh, nhưng sử dụng khẩu pháo Sharir 105mm do Israel sản xuất, bổ sụng hệ thống điều khiển hỏa lực, khí tài đánh đêm, thay đổi ghế cho kíp lái để cải thiện tầm quan sát, thay kho đạn theo tiêu chuẩn đạn pháo mới.

  • T-72Z Safir-74 – Một phiên bản cải tiến của Iran áp dụng cho các xe tăng T-54 của Iraq bị bắt trong chiến tranh Iran-Iraq. Nó có một số cải tiến gồm cả một pháo tăng 105 mm M68 có rãnh xoắn, hệ thống kiểm soát bắn computer và động cơ diesel mới 780 mã lực với hệ thống làm lạnh và chuyển số tự động. Chú ý không nhầm lẫn với xe tăng T-72 của Liên Xô.
Xe tăng Type 59D của Trung Quốc

  • Type 59: xe tăng chiến đấu chủ lực của Trung Quốc chế tạo từ thập niên 1960, dựa trên mẫu T-54A của Liên Xô.
    • Type 59D: Còn có tên WZ120C. Type 59D được phát triển từ thập niên 1990, giới thiệu vào năm 1992, quá trình thử nghiệm hoàn thành vào năm 1993 và đến năm 1995 thì được triển khai trên quy mô lớn để nâng cấp Type 59 cũ nhằm đáp ứng các yêu cầu cho chiến tranh lục quân trong tương lai. Type 59D được trang bị giáp phản ứng nổ ở mặt trước cũng như tháp pháo, thiết bị nhìn đêm và đo xa laser, 8 ống phóng đạn khói ngụy trang, đi kèm hệ thống kiểm soát hỏa lực Type 37A hiện đại. Khẩu pháo 105 mm của Type-59D là loại Type 79 hoặc Type 83A được ổn định 2 mặt phẳng với cơ số đạn 44 viên, đây là một bản sao dựa trên pháo L7 (M68) trang bị trên các xe tăng của NATO, khác biệt lớn nhất là nòng pháo của Trung Quốc dài hơn loại L7 nguyên bản. Pháo Type 83A có tầm bắn hiệu quả khoảng 2 km, bắn được đạn nổ phá mảnh (HE), đạn xuyên lõm (HEAT), đạn xuyên động năng (KE). Vũ khí phụ của Type-59D gồm 1 súng máy hạng nặng 12,7 mm (cơ số đạn 500 viên), 1 súng máy 7,62 mm của lái xe và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm. Khả năng cơ động của Type 59D cũng được nâng cao đáng kể khi thay thế động cơ diesel 12150L7 công suất 580 mã lực bằng động cơ V-46-6 V-12 730 mã lực[13] Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Sudan (Sudan's Military Industry Corporation - MIC) đã xin giấy phép sản xuất T-59D dưới tên gọi xe tăng Al-Zubair 2.

    • Type 69: xe tăng chiến đấu chủ lực của Trung Quốc từ thập niên 1970, cải tiến từ Type 59.

    • Type 79: xe tăng chiến đấu chủ lực của Trung Quốc từ thập niên 1980, cải tiến từ Type 69.

Các phiên bản hiện đại hóa[sửa | sửa mã nguồn]


  • T-55AMV Phiên bản AMV cải tiến thay thế ERA cho lớp yếm bảo vệ. Các phiên bản kết thúc với việc thay thế động cơ w/V-46 engine từ chiếc T-72 MBT. Ukraina và Syria sẽ cải tiến theo tiêu chuẩn của T-55AMV.

  • T-55AM2B: Kiểu T55AMV của người Séc với kiểm soát lửa Kladivo. Về hỏa lực, xe được cải thiện ốp tản nhiệt ở đầu nòng pháo 100mm giúp tăng độ chính xác khi bắn và giảm sự tác động nhiệt độ có thể làm cong vênh nòng. Ngoài ra, xe còn tích hợp thêm hệ thống lấy đường ngắm cho pháo thủ bằng tia laser giúp bắn chính xác hơn và nhanh hơn. Thân xe được bổ sung khối giáp thụ động gồm các tấm Glacis hình bán nguyệt phía trước và 2 bên để chống lại đạn nổ lõm và tên lửa chống tăng, giúp giáp xe tăng thêm 140% khả năng bảo vệ. Ở những phần quan trọng có thể tăng cường thêm giáp phản ứng nổ (ERA). Động cơ mới công suất 610 mã lực, cải thiện hệ thống treo giúp xe di chuyển êm hơn trên địa hình ghồ ghề. Theo một số nguồn tin không chính thức, Quân đội Campuchia đang sử dụng khoảng 100 chiếc xe tăng T-55AM2.

  • TR-85: xe tăng chiến đấu chủ lực của Rumani, thiết kế dựa trên kiểu T-55 nhưng có powerpack kiểu hình chữ T, động cơ V8 830 mã lực của Đức, hệ thống điều khiển bắn sản xuất tại địa phương "Ciclop", hệ thống truyền động 6 cặp bánh xích (tăng thêm 1 bánh so với T-54/55), quanh tháp pháo được bổ sung thêm khối giáp bán nguyệt dày 20mm và váy bảo vệ bằng kim loại. Trọng lượng tăng lên 50 tấn. Pháo chính 100mm được giữ nguyên nhưng được trang bị các loại đạn mới (Romania đã hợp tác với Israel để sản xuất loại đạn xuyên giáp động năng BM-412VN - có thể xuyên giáp cán đồng nhất có độ dày 444mm ở góc chạm 90 độ từ khoảng cách 500 mét, 425mm ở khoảng cách 1.000 mét và 328mm ở khoảng cách 4.000 mét). TR-85M1 được trang bị máy tính điều khiển hỏa lực Ciclop-M thế hệ 3. Ngoài ra, pháo chính còn được trang bị hệ thống ổn định 2 trục giúp cải thiện độ chính xác khi bắn và giảm thời gian khóa mục tiêu. Theo nhà sản xuất, máy tính đường đạn mới đảm bảo khả năng tiêu diệt mục tiêu đến 95% ở khoảng cách dưới 2.000 mét, trên 75% cho mục tiêu ở khoảng cách từ 2.000-3.000 mét. Gói nâng cấp này có chi phí ở mức trung bình (khoảng 1 triệu USD/xe). Trong cuộc tập trận hồi giữa năm 2014, TR-85 được ghi nhận là đã đánh bại nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất của Mỹ M1 Abrams trong cuộc chiến giả định ở gần thị trấn Hohenfels, Bavaria, Đức.
    • TR-85M3: Phiên bản nâng cấp từ TR-85, được trang bị động cơ mạnh mẽ hơn, thay thế pháo 100mm bằng cỡ 120mm hoặc 125mm cũng như nâng cấp giáp, nâng cấp hệ thống điện tử.

  • T-55 AGM: Phiên bản cải tiến sâu của Ukraina do Cục thiết kế Kharkiv Morozov (Ukraine) thực hiện. Gói nâng cấp T-55AGM cải tiến mạnh mẽ về hệ thống hỏa lực với pháo nòng trơn KBM-1 125mm (hoặc có thể chọn loại pháo 120mm tiêu chuẩn NATO) kết hợp hệ thống nạp đạn tự động, hệ thống điều khiển bắn tự động. Pháo được tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng có điều khiển qua nòng cho phép tiêu diệt mục tiêu tầm 5.000 mét. Trên tháp pháo lắp giá điều khiển vũ khí tự động lắp súng máy phòng không 12,7mm. Hệ thống ngắm bắn bao gồm kính ngăm ban ngày của pháo thủ 1K14 có hệ thống ổn định tầm và hướng, độ phóng đại tối đa 10x, thiết bị đo xa laser và kênh điều khiển tên lửa chống tăng, kính ngắm quang ảnh nhiệt PTT-M với camera quang ảnh nhiệt MATIS của hãng SAGEM (Pháp). Thiết bị quan sát, kính ngắm của trưởng xe PNK–4S với 3 kênh: kênh quan sát ban ngày 1x, kênh quan sát ban ngày khuếch đại đa tần 7,6x và kênh nhìn đêm khuếch đại đa tần 5,8x; kính ngắm phòng không PZU-7; hệ thống điều khiển hỏa lực phòng không 1ES29M cho phép trưởng xe có thể bắn súng máy phòng không trên nóc xe mà vẫn ngồi trong tháp pháo; máy tính quỹ đạo đường đạn LIO-B với cảm biến đầu vào, hệ thống ổn định đa tầm đa hướng 2E42 và các thiết bị hiện đại khác. Về hệ thống bảo vệ, T-55AGM trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) thế hệ 3 có tên là NOZH, hệ thống gây nhiễu điện tử, hệ thống phóng lựu đạn khói Linkey-SPZ với 12 ống phóng cỡ 81mm. T-55AGM trang bị động cơ diesel đa nhiên liệu 5TDFMA công suất 1.050 mã lực, hệ thống lái xe kiểu mới (có hệ thống trợ lực), hệ thống treo thanh xoắn mới và được bổ sung thêm 1 bánh chịu nặng mỗi bên. Các thiết bị điều khiển có màn hình hiển thị kỹ thuật số. Trọng lượng xe tăng từ 36 tấn lên 48 tấn. Theo nhà sản xuất, sau nâng cấp T-55AGM có sức tấn công và phòng thủ gần tương đương với loại T-80. Tuy nhiên, gói nâng cấp này có chi phí khá cao (khoảng trên 1,5 triệu USD/xe) nên đến nay chỉ có Peru đặt hàng 4 chiếc để thử nghiệm.

  • T-55S: Còn gọi là M-55S, xe tăng T-55 của Slovenia hợp tác với Israel để cải tiến. Lắp pháo mới cỡ 105 mm với lớp áo bọc cách nhiệt. Trên xe tăng lắp hệ thống giáp phản ứng nổ thế hệ 1, hệ thống điều khiển hỏa lực được nâng cấp bằng việc lắp hệ thống máy tính đường đạn, bộ ổn định tầm và hướng, kính ngắm Fotona SGS-55 với hệ thống đo xa laser, kính chỉ huy Rotona COMTOS-55 với hệ thống ổn định độc lập tầm nhìn cho phép trưởng xe có thể quan sát, xác định mục tiêu và thậm chí ngắm bắn hoàn toàn không phụ thuộc vào pháo thủ 1. Thiết bị dò tìm và cảnh bảo sớm chiếu xạ laser LIRD 91A kết nối với hệ thống phóng lựu đạn khói IS-6. Hệ thống thiết bị này có thể tự động phóng đạn khói trong trường hợp khẩn cấp và kíp xe không kịp phản ứng. Hai bên hông xe có các tấm chắn đạn nổ lõm bằng cao su tổng hợp, ống lắp chốt xích được bọc cao su chống mòn. Phía sau tháp pháo có thùng chứa phụ tùng để làm mát buồng lái đồng thời có máy phát điện nhỏ phục vụ thân xe.

  • T-55M3: Xe tăng chiến đấu của Việt Nam được nâng cấp từ T-54B ứng dụng một số công nghệ mới thiết kế theo kiểu phương Tây, tháp pháo vát góc và đặc biệt là xe tăng có thể bắn với độ chính xác cao khi hành tiến (trước kia vừa chạy vừa bắn chỉ có độ chính xác thấp). Tăng T-55M3 được trang bị giáp ERA hế hệ thứ hai có khả năng chống lại đạn tên lửa chống tăng B-72 và các loại đạn lõm chống tăng thông thường, pháo nòng xoắn 105 mm M68/L7 của Israel, Cối 60 mm,súng máy PKT 7,62 mm, bộ cảm biến MAWS6056B Của Pháp và động cơ diesel 1.000 mã lực của Đức. Phiên bản này chỉ dừng ở mức thử nghiệm.

  • T-55M5: Là gói nâng cấp từ công ty Nga, tập trung tăng cường giáp bảo vệ, hệ thống điều khiển hỏa lực và động cơ. T-55M5 được trang bị thêm giáp phản ứng nổ Kontakt-5 quanh mặt trước tháp pháo và mặt trước thân. Hệ thống điều khiển hỏa lực được trang bị kính ngắm TVK-3 cho pháo thủ và TKN-1SM cho trưởng xe. Pháo chính D-10T2S cỡ 100mm vẫn được giữ nguyên. Về động cơ, T-55M5 trang bị loại động cơ diesel V-55U cải tiến mạnh hơn. Với những cải tiến trên, trọng lượng của xe vẫn ít hơn 40 tấn. Gói nâng cấp T-55M5 có giá khoảng 700 nghìn USD/xe (thời giá 2009).

  • T-55M6: Gói nâng cấp sâu của Nga. T-55M6 được trang bị động cơ V-46-5M 690 mã lực, pháo chính 2A46M cỡ nòng 125mm kết hợp với hệ thống nạp đạn tự động cho phép đạt tốc độ bắn cao. Pháo chính 125mm cũng được tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng 9M119 Svir qua nòng. Hệ thống giáp bảo vệ được nâng cấp lên chuẩn tương đương xe tăng T-80U hiện đại. Với những nâng cấp này, T-55M6 đủ sức đối chọi với kẻ địch hiện đại. Tất nhiên, giá của gói nâng cấp T-55M6 khá đắt, khoảng 1,8 triệu USD/xe (thời giá 2009, bằng 2/3 giá một chiếc T-90 mới), nên hiện chưa có khách hàng nào nâng cấp T-54/55 theo phiên bản này.

  • T-55MV: được trang bị loại giáp phản ứng nổ Kontakt-1 ở phần phía trước và tháp pháo, giúp xe có khả năng chịu được loại đạn xuyên giáp uranium nghèo M829 120mm của Mỹ ở cự ly 1.000m. Pháo chính 100mm bổ sung thêm khả năng phóng tên lửa chống tăng 9M117 Bastion qua nòng, tăng khả năng đánh trúng mục tiêu ở cự ly 4.000m với khả năng xuyên giáp dày 550mm. Xe được trang bị hệ thống kiểm soát bắn Volna với máy tính đường đạn kỹ thuật số. Syria là quốc gia đầu tiên đặt hàng nâng cấp 200 chiếc T-55 của họ lên chuẩn T-55MV.

  • T-55AMV: Phiên bản cải tiến khác của T-54B, T-55 Việt Nam thay thế cho phiên bản T-55M3 đã bị dừng.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sự kiện Tĩnh Khang – Wikipedia tiếng Việt

Sự kiện Tĩnh Khang (hay còn được gọi là Sự biến Tĩnh Khang ) là một biến cố lớn trong lịch sử nhà Đại Tống, Trung Quốc, đánh dấu sự diệt vong của vương triều Bắc Tống. Đầu thế kỷ 11, Tống Chân Tông vạch ra Thiền Uyên chi minh, để đối phó mặt phía bắc giáp với triều Liêu, sau khi Liêu xua quân nam hạ, tấn công tới Thiền Châu. Tiếng là quân Tống thắng trận, nhưng mỗi năm phải tiến cống bạc, lụa, trà và tiền với một số lượng khổng lồ. Dưới thời Tống Nhân Tông, người Liêu lại muốn động binh, vấp phải Địch Thanh nên không đánh, chỉ sai sứ sang đòi tăng thêm khoản cống nộp với tên gọi là "nạp" chứ không phải "ban". Tuy Tống Nhân Tông lợi dụng dịp tốt này để khiến Liêu và Tây Hạ trở mặt, nhưng mối thù giữa Tống và Liêu ngày càng chồng chất. Chính con trai của Dương Diên Chiêu, tướng Dương Văn Quảng cũng đã từng dâng vua Tống Thần Tông những sách lược để thu phục Yên Vân thập lục châu từ tay Liêu, nhưng Tống vẫn không có cơ hội. Khoản thời gian Tống Triết Tông tại vị, Tây

Thời kỳ Nara – Wikipedia tiếng Việt

Thời kỳ Nara (tiếng Nhật: 奈良時代 | Nara-jidai , Nại Lương thời đại ) của lịch sử Nhật Bản kéo dài từ năm 710 đến năm 794. [1] Thiên hoàng Gemmei (元明天皇 Gemmei Tennō , Nguyên Minh Thiên Hoàng ) đặt kinh đô tại Heijō-kyō (平城京, Bình Thành Kinh ngày nay là Nara). Ngoại trừ 5 năm (740-745) kinh đô phải dời đi nơi khác, đó là kinh đô của Nhật Bản cho đến khi Thiên hoàng Kanmu (桓武天皇 Kammu Tennō , Hoàn Vũ Thiên Hoàng ) đặt kinh đô tại Nagaoka-kyō (長岡京, Trường Cương Kinh ) vào năm 784 trước khi di chuyển đến Heian-kyō (平安京, Bình An Kinh ), hoặc Kyoto (京都, Kinh Đô ), một thập niên sau vào năm 794. Phần lớn xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ làm về nông nghiệp, tụ tập quanh các ngôi làng. Đa số dân làng theo tôn giáo Shinto dựa vào thờ cúng thiên nhiên và thần linh tổ tiên ( kami ). Kinh đô Nara được xây dựng theo mô hình của Trường An (長安, Tây An ngày nay, 西安), là kinh đô của nhà Đường, Trung Quốc. Trong những lãnh vực khác, tầng lớp thượng lưu Nhật Bản đã lấy người Trung Quốc làm kiểu mẫu, kể cả du nhậ

Tuấn Khanh (nhạc sĩ sinh 1968) – Wikipedia tiếng Việt

Bài này viết về nhạc sĩ nhạc trẻ sinh năm 1968 Nguyễn Tuấn Khanh. Về những người cùng tên Tuấn Khanh khác, xem Tuấn Khanh. Tuấn Khanh (tên thật Nguyễn Tuấn Khanh ; sinh ngày 1 tháng 10 năm 1968), là một nhạc sĩ Việt Nam. Anh làm việc về báo chí, âm nhạc và kiêm quản lý dự án. Tên tuổi của anh gắn liền với nhóm nhạc MTV và Trio666. Từ khi 15 tuổi, Tuấn Khanh bắt đầu chơi nhạc cho nhiều ban nhạc trẻ Sài Gòn. Anh học tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, bộ môn flute và sáng tác nhạc từ năm 17 tuổi. Đến năm 1987, anh tổ chức thành lập nhóm nhạc riêng mang tên Gió Phương Nam, chủ yếu biểu diễn những sáng tác của anh. Năm 20 tuổi, anh học thêm các ngành luật, báo, tiếng Anh. Vào đầu thập niên 1990, anh tham gia viết báo và trở thành phóng viên báo Tuổi trẻ, báo Thanh Niên, báo Người Lao động...Anh đã từng được đài truyền hình Rai International (Rai Italia) của Ý trao tặng giải thưởng cho các tác phẩm của mình và tác giả dàn dựng cho các nhóm nhạc của ông trên nền tảng alternative rock và mo